TTO - Nhiều ý kiến giật mình trước dự thảo Luật đầu tư sửa đổi được Quốc hội thảo luận ngày 26-5. Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, đưa ra hàng loạt điểm cần xem xét kỹ lại để tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư của Việt Nam.
Nhà đầu tư trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải tự xác định ưu đãi đầu tư theo dự thảo Luật đầu tư sửa đổi - Ảnh tư liệu
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông VÕ QUỐC THẮNG nói:
- Việc tinh gọn thủ tục đầu tư đã được quán triệt từ lâu, đã được Chính phủ nỗ lực cải thiện nhiều năm qua chứ không hẳn khi có tín hiệu đón đầu dòng vốn FDI chúng ta mới lưu ý đến. Thế nhưng để đạt được mục tiêu đó, vẫn còn rất nhiều bất cập cần phải lưu ý giải quyết thì Việt Nam mới thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn.
* Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi yêu cầu dự án có vốn đầu tư từ 10 nghìn tỉ đồng trở lên phải trình Thủ tướng thông qua, theo ông có cần thiết?
- Trong Luật đầu tư 2014 quy định mức 5 nghìn tỉ đồng, giờ nâng lên 10 nghìn tỉ đồng. Có nghĩa đã có sự cân nhắc đến các yếu tố phát triển kinh tế, năng lực đầu tư thực tế…
Tuy nhiên, với nguồn vốn từ tư nhân và FDI, theo tôi dù vốn đầu tư trên 10 nghìn tỉ cũng không cần thiết trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Với nguồn vốn từ đầu tư công, nguồn này đã được điều chỉnh từ Luật đầu tư công. Nên cân nhắc so sánh để tránh chồng chéo, bất hợp lý kéo theo phải sửa đổi thêm nhiều luật khác.
Dưới góc độ nhà đầu tư, tôi cho rằng dự thảo luật không nên quy định hạn mức trên 10 nghìn tỉ để thể hiện tính cởi mở, tăng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết theo quy hoạch từng địa phương đã được chính Thủ tướng duyệt.
* Các quy định về diện tích đất sử dụng phải trình Thủ tướng xem xét, theo ông, có phù hợp?
- Điểm "trói buộc" sẽ gây cản trở không nhỏ cho các nhà đầu tư nếu được thông qua, đó là quy định phải trình Thủ tướng với: "Dự án xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị…".
Quy mô dự án như trên nên giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư như tại Luật đầu tư năm 2014.
Bởi nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị đều thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi thực hiện dự án. Theo quy định Luật quy hoạch, Luật đất đai thì Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cho các tỉnh thành trực thuộc trung ương... Nên không nhất thiết phải trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư một lần nữa.
Quy trình trình Thủ tướng thẩm định dự án thì phải thông qua rất nhiều bộ ngành có liên quan trong thời hạn 40 ngày như dự thảo quy định. Nhưng thực tế, thời gian thường kéo dài hơn rất nhiều, tốn kém chi phí, mất cơ hội kinh doanh.
Một số dạng dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh, không nên quy định phải trình Thủ tướng quyết định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Để được ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đầu tư lần này có vẻ cũng siết hơn, thưa ông?
- Chúng ta cần xem xét 2 nội dung rất quan trọng của dự thảo lần này.
Thứ nhất, ở điều 18 về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, theo đó nhà đầu tư phải "tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư".
Như thế nhà đầu tư trong, ngoài nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải tự xác định ưu đãi đầu tư; rồi tự thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại nhiều cơ quan.
Trong khi tại các quy định pháp luật, cũng như chủ trương cải cách thủ tục hành chính đã quy định về cơ chế "một cửa tại chỗ".
Theo đó, các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện quy chế phối hợp trong quá trình thẩm định, xem xét dự án đầu tư có đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư hay không. Nếu đáp ứng thì ghi nhận ưu đãi đầu tư vào giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư khi cấp, như đã quy định tại Luật đầu tư năm 2014.
Thứ hai, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng được quy định cả việc: "Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế...". Theo tôi, với dạng dự án này nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết.
Vì theo quy định hiện hành, trước khi thành lập, khu công nghiệp phải có trong danh mục quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể quốc gia...
Do đó, không cần thiết thực hiện thủ tục xin Thủ tướng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư một lần nữa.
Nhiều dự án chậm tiến độ vì phải chờ trình Thủ tướng
Hiện nay, các dự án đầu tư vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia đã được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng tỉnh/thành; nếu trong dự án này có một phần diện tích đất lúa thì buộc phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác theo quy định của Luật đất đai. Trên 10 ha phải xin chủ trương của Thủ tướng phê duyệt chuyển mục đích sử dụng, nếu được chấp thuận mới được chuyển đổi. Thực tế, nhiều dự án bị chậm tiến độ vì thủ tục xin chuyển mục đích phải trình Thủ tướng. Mặc dù, các vùng đất này thực tế người dân đã không còn trồng lúa nữa.
MINH NGỌC