Bằng nhiều hoạt động, chương trình cùng việc chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp, Long An trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, thân thiện và hiệu quả.
Long An hiện là "Ngôi nhà chung" của gần 17.000 doanh nghiệp
(Trong ảnh: KCN Tân Kim mở rộng có tỷ lệ lắp đầy cơ bản đạt 100%)
Điểm đến của các nhà đầu tư
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, thời gian qua, tỉnh chủ động tiếp cận các tổ chức, nhà đầu tư lớn, các dự án (DA) phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thành công các hội nghị gặp gỡ các cơ quan ngoại giao, hội nghị kết nối doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN, hội doanh nhân, nhà đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Cuba),... nhằm giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng mới.
Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại DN đang hoạt động tại địa bàn các huyện trọng điểm của tỉnh nhằm kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN,...
Trong năm 2023, số DN thành lập mới, số DA FDI, số vốn đăng ký của DA đầu tư trong và ngoài nước tăng so với cùng kỳ. Tỉnh thành lập mới 1.928 DN với tổng vốn đăng ký 21.703 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 17.000 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 373.087 tỉ đồng; trong đó có gần 13.000 DN đang hoạt động. Đối với thu hút FDI, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 116 DA (tăng 57 DA), vốn đầu tư cấp mới 594,96 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 79 DA (tăng 12 DA), với vốn đầu tư tăng 134,17 triệu USD. Đến nay, tỉnh có 1.245 DA FDI, tổng vốn hơn 10,6 tỉ USD, trong đó có 588 DA đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỉ USD.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Idico (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) - Phan Văn Chính: “Chúng tôi đã tìm hiểu và chọn Long An để đầu tư. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo. Các khó khăn, vướng mắc của DN được lãnh đạo địa phương lắng nghe, kịp thời tháo gỡ”.
Đồng bộ các giải pháp
Ông Trương Văn Liếp thông tin: "Định hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, “Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia; dựa trên công nghiệp xanh, tự động hóa; nông nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics và du lịch sinh thái”. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp, xây dựng chính quyền số và triển khai các cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là phục vụ phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, trung tâm logistics và nông nghiệp công nghệ cao”.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút vốn đầu tư
Trong năm 2024, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ cảng, logistics,...; mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ giao nhận, logistics theo định hướng quy hoạch tạo động lực phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại; củng cố và phát huy vai trò các kênh phân phối truyền thống, phục vụ sinh hoạt của dân cư; thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; hỗ trợ vận hành hiệu quả Cảng Quốc tế Long An.
"Tỉnh tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN thâm nhập thị trường tiêu thụ mới, nhất là các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Hỗ trợ các DN nghiên cứu phát triển sản xuất có giá trị gia tăng cao nhằm đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Triển khai hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Kịp thời thông tin về thị trường thế giới, những thay đổi về chính sách, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, tập quán buôn bán của thị trường, nội dung của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để DN tận dụng tốt nhất lợi thế ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường" - ông Trương Văn Liếp thông tin./.
Nguồn: Báo Long An