TP.HCM thúc đẩy "liên kết 4 nhà” - công thức phát triển của thế giới


Nguồn lực chất xám đang bị lãng phí do các công trình nghiên cứu hiện vẫn khó đi vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Thực trạng này là hệ quả của sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và viện - trường.

 

Lãnh đạo thành phố và các viện trường chứng kiến ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học


Đó là nhận định của các đại biểu tham gia tọa đàm “Tứ giác sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra chiều 16/11/2018. Chương trình do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức, với sự tham gia của đại diện từ nhiều doanh nghiệp, các nhà khoa học, các trường viện và lãnh đạo thành phố.

Phát biểu gợi mở tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Để có được sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn là một áp lực lớn với doanh nghiệp trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay. Để có thành công, cần mối quan hệ chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước + nhà doanh nghiệp + nhà khoa học + nhà đầu tư tài chính), đây là công thức phát triển lâu đời của thế giới, nhưng Việt Nam - do 4 nhà vẫn chưa liên kết với nhau, nên vẫn chưa tăng tốc được.

“Người ta nói tới cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tương tác của nhiều công nghệ cùng lúc, là đa ngành, nếu chúng ta đứng riêng lẻ khó lắm, không nhập cuộc cạnh tranh lâu dài được. Vậy vì sao doanh nghiệp – viện trường không kết nối tốt được; Nhà nước đầu tư thế nào hiệu quả và cơ chế tài chính thế nào để các nhà đầu tư triển vọng nhập cuộc?”, ông Nhân đặt vấn đề.

Các đại biểu cho rằng vướng mắc lớn nhất để thương mại hóa là các nhà nghiên cứu dựa trên ý tưởng nên còn khoảng cách khá xa với thực tiễn doanh nghiệp. Trong khi các trường viện và doanh nghiệp chưa gắn kết thì cơ chế cũng chưa thúc đẩy, việc chuyển giao công nghệ còn nhiều khó khăn

 

.

Đại diện doanh nghiệp góp ý với thành phố về các cơ chế liên kết phát triển giữa doanh nghiệp với viện trường


Ông Kiều Huỳnh Sơn – Giám đốc Công ty Máy và sản phẩm Thép Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM nói: “Trong ngành công nghiệp chế tạo máy cơ khí điện, việc đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn với doanh nghiệp, cho dù nhà nước, nhà khoa học hay nhà đầu tư tài chính có đồng hành hay không chúng tôi cũng phải làm bằng nhiều cách, làm hàng quý, hàng năm”.

Ông Sơn cho rằng doanh nghiệp rất cần liên kết với các trường - viện nhưng việc kết nối vẫn chưa thuận do các bên vẫn đợi chờ lẫn nhau. Theo ông, các trường chưa nhìn nhận doanh nghiệp như một khách hàng, mời gọi còn khó khăn, trong khi các nhà cung cấp nước ngoài mời là họ đến ngay. “Họ không chỉ hướng đến công ty chúng tôi mà hướng đến thị trường hơn 90 triệu dân, qua các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp họ có thể kết nối được những đối tác lớn hơn", ông Sơn nói.

Ông Sơn đề xuất, về phía doanh nghiệp cần thông qua các hiệp hội tạo kênh kết nối với trường viện; phía trường viện xem doanh nghiệp là đối tác nghiên cứu và chính là khách hàng, đối tác đồng hành của mình. Nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí, lên kế hoạch triển lãm, xây dựng chương trình hoặc quỹ hỗ trợ rủi ro trong các đặt hàng nghiên cứu của doanh nghiệp với viện trường hoặc các chuyên gia.

Đối với các hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ giữa các trung tâm trường viện với doanh nghiệp, hai bên nên ký theo nguyên tắc thị trường, không nên hỗ trợ kiểu bao cấp, tuy nhiên nhà nước có thể xây dựng các chương trình đăng ký song song, đồng hành, nghiệm thu và giải ngân hỗ trợ (coi như phần giá trị thặng dư nghiên cứu) sau khi hợp đồng chuyển giao hoàn tất. Như vậy trách nhiệm của phía chuyển giao sẽ lớn hơn và chấp nhận chia sẻ rủi ro, thiệt hại vật chất nếu dự án không thành công.

TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thừa nhận năng lực của nhiều nhà nghiên cứu không theo kịp doanh nghiệp. “Tôi nhiều lần dẫn các thầy tới gặp doanh nghiệp, có những doanh nghiệp đặt hàng các thầy có thể làm được nhưng nhiều cái thì không thể. Nguyên nhân do các hoạt động nghiên cứu gói gọn trong khuôn khổ nhà trường, giáo viên không có nhiều tương tác với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, trong khi công việc giảng dạy chiếm quá nhiều thời gian”.

 

TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm


Ông Dũng cho biết hiện trường phân thành 4 loại giảng viên, người giỏi nghiên cứu sẽ chuyên nghiên cứu. Tới đây trường có quy chế một giảng viên đứng lớp 2-3 năm phải ra ngoài doanh nghiệp lấy thực tế sau đó có thể quay về trường giảng dạy mới hiệu quả được. Ông cũng góp ý rằng cho đến nay một số doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ tận dụng tiền nhà nước để làm đề tài. “Cần dẹp bỏ tư duy thời đại cũ này, doanh nghiệp phải bỏ tiền tạo sản phẩm, làm lời cho mình thì mới nâng tầm mình lên", TS. Dũng chia sẻ.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng việc đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò góp sức lớn vào phát triển kinh tế thành phố theo hướng bền vững. Theo ông hiện nay sự gắn kết giữa các đơn vị còn rất khiêm tốn so với quy mô trên toàn thành phố có đến 156 viện trường và 141 tổ chức khoa học công nghệ, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu vẫn chưa tận dụng được thế mạnh của nhau.

“Muốn cạnh tranh và vươn ra toàn cầu, doanh nghiệp phải tăng năng suất, vậy thì không có con đường nào khác ngoài đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp càng mở rộng quy mô càng phải gắn kết với khoa học công nghệ, nâng cấp trình độ quản trị để theo kịp nền kinh tế hiện đại”, ông Phong nhấn mạnh.