Lãnh đạo UBND tỉnh Long An dự Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023


Ngày 12/12, tại TP.Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023. Báo cáo do VCCI và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện. Đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự sự kiện.

 

Đại biểu dự hội nghị

Báo cáo Kinh tế thường niên Vùng ĐBSCL đưa ra bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế vùng vẫn tồn tại những hạn chế và khó khăn. Báo cáo cũng xác định thể chế, quản trị và liên kết vùng là nội dung then chốt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP.HCM, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, trước sự ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới nhiều biến động, sự đứt gãy cung - cầu của thị trường trong nước và ngoài nước đã khiến cho sự phát triển của Vùng ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, cơ cấu GRDP của Vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi; vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn; chất lượng lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn, trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%); sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng là rất lớn.

Dựa vào kết quả nghiên cứu trên, báo cáo đưa ra 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những trở ngại đang gặp phải của Vùng ĐBSCL hiện nay, bao gồm: Điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư – kinh doanh; cơ chế quản trị – hợp tác – liên kết vùng. Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng, nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì vùng sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023

Phát biểu khai mạc tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công cho biết, báo cáo ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương.

Vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết 13 đề ra.

Đồng thời, đây sẽ là tiền đề quan trọng để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm cho rằng, nội dung báo cáo được soạn thảo rất đầy đủ và công phu; nêu rõ những mặt đạt được và những mặt khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, cụ thể về tăng trưởng kinh tế, môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đầu tư, tài chính - tín dụng;… Đây là tài liệu hữu ích giúp cho lãnh đạo các địa phương có được cái nhìn toàn diện nhất về kinh tế - xã hội của vùng, từ đó điều hành hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mối quan hệ tổng thể với vùng.

Bên cạnh đó, ông đề xuất các giải pháp nhằm giúp phát huy hết tiềm năng, lợi thế và sự liên kết, đồng hành của các địa phương vì sự phát triển chung của Vùng ĐBSCL.

Ông nhấn mạnh, Long An cam kết sẽ phấn đấu, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để triển khai thành công Quy hoạch vùng, góp phần phát triển Vùng ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa.

Cũng trong khuôn khổ các sự kiện của lễ công bố, chiều cùng ngày, Diễn đàn chính sách “Phát triển Kinh tế ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và hợp tác giữa các địa phương” cũng được tổ chức nhằm đánh giá về cơ chế triển khai quy hoạch Vùng ĐBSCL và quản trị tài nguyên trước biến đổi khí hậu; đồng thời, đánh giá liên kết vùng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế để các địa phương nhận diện chính sách phát triển và doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh thay đổi tại ĐBSCL./.

Nguồn: Báo Long An